Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, và ba mẹ là người viết những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy ấy. Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý khi “viết những dòng chữ đầu tiên” này.

Nội dung
- Sự Yên tĩnh
- Tính nhất quán
- Giao tiếp
- Xác định chương trình phát triển năng lực phù hợp
- Ưu tiên cho con
- 4 điều “HÃY”:
Khi sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong con mình có thể mạnh khỏe, thông minh và có nhân cách tốt. Nhưng việc nuôi dạy con từ trước đến nay chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Mỗi đứa trẻ khác nhau lại có một tư chất khác nhau, một “khởi điểm” khác nhau, một tài năng khác nhau và một quá trình phát triển khác nhau. Vậy làm thế nào để khơi dậy được tài năng của con và đâu là những yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con?
1. Sự Yên tĩnh
Không ít những người mẹ hiện đại ngày nay nghĩ việc giáo dục con từ lúc thai giáo và 0 tuổi là quan trọng. Vì thế mà các mẹ đã cố gắng dùng tất cả quỹ thời gian của con mình để thúc đẩy sự phát triển cho con. Mẹ nghĩ rằng nếu không nắm bắt thì sẽ để tụt mất giai đoạn vàng này. Điều đó, vô tình đã trở thành hành động “nhồi nhét” một cách thiếu khoa học lên trẻ. Mẹ quên mất, cả thai nhi và trẻ nhỏ đều cần một khoảng thời gian yên tĩnh, nhẹ nhàng. Khi ba mẹ cứ liên tục tác động và thúc đẩy trẻ sẽ khiến trẻ sẽ lớn lên mà KHÔNG ĐƯỢC TỰ TRẢI NGHIỆM những khoảng thời gian chỉ có một mình. Đứa trẻ lớn lên với sự bao bọc quá mức sẽ trở thành đứa trẻ KHÔNG CÓ TÍNH TỰ CHỦ.

2. Tính nhất quán
Trong việc nuôi dạy trẻ, tính nhất quán là rất cần thiết. Cả ba và mẹ đều cần tính nhất quán trong quá trình nuôi dạy con, điều đó giúp tăng cường trí nhớ và sự thông minh của trẻ. Ví dụ như mỗi sáng, khi trẻ thức dậy, nếu mẹ bế bé lên để đi vệ sinh, trí nhớ về việc đó sẽ được hình thành, trẻ sẽ học được rằng không đi vệ sinh cho đến khi được bế lên. Tính nhất quán này sẽ giúp việc nuôi dạy trẻ trở nên dễ dàng hơn ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Tính nhất quán còn được thể hiện trong việc đặt giới hạn và kỉ luật cho con. Một khi con làm sai, cha mẹ cũng cần nhất quán trong cách đối xử và phạt trẻ để tránh trẻ lặp đi lặp lại lỗi sai nhiều lần và ỷ lại. Ví dụ như sau khi phạm lỗi, nếu trẻ khóc là sẽ được ba mẹ dỗ ngay, không trách phạt thì sau đó bé sẽ tự hiểu chỉ cần khóc là ba mẹ sẽ bỏ qua hết lỗi lầm của mình.

3. Giao tiếp
Việc ba mẹ biết cách giao tiếp với con rất quan trọng. Cách thức giao tiếp không phù hợp như nói quá nhiều hay thời lượng giao tiếp quá ít sẽ khiến trẻ có khuynh hướng PHỚT LỜ điều ba mẹ nói.
Cách thức giao tiếp liên quan đến khoảng cách, tiết tấu, nhịp điệu và chu kỳ. Trẻ sẽ biểu hiện sự cự tuyệt với những tác động xem nhẹ sự phát triển và trưởng thành của trẻ. Cách giao tiếp phù hợp với sở thích và tâm tư của trẻ mới là điều quan trọng
Ba mẹ hãy cố gắng dành thời gian ngồi cạnh và lắng nghe để hiểu con. Điều này sẽ giúp con củng cố khả năng giao tiếp và ngôn ngữ, đồng thời kéo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lại gần nhau hơn. Nếu không biết nói gì, ba mẹ có thể đọc sách cho con nghe, điều này cũng giúp con hình thành thói quen đọc sách và ham học hỏi ngay khi còn bé.

4. Xác định chương trình phát triển năng lực phù hợp
Để nuôi dạy trẻ một cách thông minh, các chương trình phát triển năng lực trí tuệ phù hợp với trẻ là rất quan trọng. Nhưng các chương trình này phải phù hợp với trẻ chứ không nên theo sự áp đặt của ba mẹ. Ba mẹ có xu hướng phụ thuộc vào các chương trình và cố gắng thực hiện theo các chương trình có sẵn, đó là một sai lầm rất lớn
Có trẻ thích màu sắc, có trẻ thích chữ viết và những con số. Cũng có trẻ thích âm nhạc, có trẻ lại thích phản ứng với các chuyển động. Chúng ta không nên nghĩ rằng mọi đứa trẻ đều có các phản ứng giống nhau. Mỗi trẻ đều có một cá tính riêng. Việc lựa chọn chương trình phù hợp với cá tính của mỗi trẻ là điều quan trọng
Khi cố áp đặt trẻ theo những tiêu chuẩn của ba mẹ thì chắc chắn phản ứng của trẻ sẽ không tốt. Ba mẹ hãy tìm hiểu những hoạt động phù hợp với con mình

5. Ưu tiên cho con
Trong việc nuôi dạy con cái, nguyên tắc quan trọng là sự ƯU TIÊN CHO CON. Một thực trạng thường gặp ở nhiều bậc cha mẹ là “luôn ưu tiên cảm xúc của mình hơn cảm xúc của con.” Điều này cản trở sự phát triển thể chất và tâm hồn của trẻ, khiến các cảm xúc của trẻ trở nên bất ổn. Hãy đối xử với con theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn. Hay luôn thể hiện 100% tình yêu thương dành cho con của mình bằng Hành động chứ không phải bằng suy nghĩ. Và hãy kiềm chế cảm xúc của bản thân, ngừng la mắng khi dạy con.

Để con luôn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn, ba mẹ hãy thực hiện 4 điều dưới đây:
4 điều “HÃY”:
- Hãy yêu thương trẻ
- Hãy dành nhiều tâm huyết
- Hãy nói chuyện
- Hãy nuôi dạy trẻ bằng cách khen ngợi
Tính cách của trẻ tốt hay xấu phụ thuộc vào giao tiếp của ba mẹ trẻ từ lúc sinh ra đến khi trẻ được sáu tháng tuổi. Nói cách khác, nếu trong suốt 6 tháng đầu đời, trẻ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, sau này khi lớn lên, đứa trẻ vẫn giữ được cảm giác tích cực đó. Nhưng đối với trẻ không được cha mẹ làm cho cảm thấy hạnh phúc, trẻ có khuynh hướng suy nghĩ một cách tiêu cực và sẽ lớn lên mà không cảm nhận được sự hạnh phúc. Để trẻ sống trong một thế giới tràn ngập yêu thương, ba mẹ cần chơi và đối xử với trẻ một cách vui vẻ, làm cho trẻ cảm thấy hạnh phúc bằng những từ ngữ tích cực