Đại dịch Covid ập đến bất ngờ và bạn cảm thấy khó có thể thích nghi với những ngày tháng vừa làm việc tại nhà, vừa chăm sóc con cái. Chuyên gia về nuôi dạy con, GS John McSharry có một số lời khuyên
Với sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19, hầu hết các bậc cha mẹ đều phải thay đổi cách làm việc và sinh hoạt. Việc trường học tạm ngưng hoạt động giảng dạy, chuyển sang hình thức học online, việc giãn cách xã hội dẫn đến hạn chế đi lại và giảm cơ hội hoạt động ngoài trời,… khiến cho khoảng thời gian này trở nên khá thử thách đối với nhiều gia đình.
Hiểu được rằng việc các bậc phụ huynh cố gắng giữ cho mọi thứ xung quanh diễn ra theo nếp cũ không hề đơn giản, Giáo sư John Sharry- Chuyên gia về nuôi dạy con, đã chia sẻ một vài lời khuyên thiết thực dành cho các bậc cha mẹ trong thời gian này:
Hỏi: Thời gian gần đây có rất nhiều sự thay đổi trong lối sinh hoạt của các gia đình. Đặc biệt là việc các bậc phụ huynh phải dành thời gian ở nhà nhiều hơn, bên cạnh việc phải làm việc ở nhà thì phụ huynh còn phải chăm con vì không thể gửi trẻ đi học được. Vậy, các bậc phụ huynh nên bắt đầu trang bị cho mình từ đâu để vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng và đầy thử thách này?

John: Trong tình huống này, điều đầu tiên cần nghĩ đến là làm thế nào để trẻ em tuân theo “mọi hướng dẫn” của bạn với tư cách là cha mẹ. Để làm được điều đó thì việc quan trọng số một là chính bạn phải tập trung thích ứng với hoàn cảnh trước, sau đó xây dựng một kế hoạch thật tốt để cân đối thời gian và công việc. Khi thay đổi hoàn cảnh bất ngờ, việc bạn phản ứng một cách bình tĩnh và thoải mái sẽ giúp trẻ dễ dàng chấp nhận và thích nghi tốt hơn.
Hỏi: Làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ con cái trong khoảng thời gian khó khăn này?
John: Một số trẻ thuộc tuýp DỄ LO LẮNG và KHÓ THÍCH NGHI; và khoảng thời gian nghỉ dịch Covid này có thể sẽ càng làm tăng sự lo lắng trong trẻ vì không được đến trường, việc học online không hiệu quả, không được ra ngoài tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời,… Những bé này rất cần được ba mẹ TRÒ CHUYỆN và TRẤN AN. Một số trẻ khác lại có xu hướng tiếp nhận thực tế khá tốt và khá thích việc được nghỉ học. Những bé này thì thường sẽ không gặp nhiều ảnh hưởng. Vậy các bậc cha mẹ cần QUAN SÁT SỰ THAY ĐỔI và PHẢN ỨNG của trẻ để xem thử mỗi đứa trẻ cần gì mà xử trí kịp thời.
Hỏi: Việc bé học ở nhà dẫn đến các bậc phụ huynh vừa phải đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc trẻ, vừa phải giải quyết các tình huống công việc và còn có nhiều vấn đề khác liên quan. Điều này có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy choáng ngợp – lời khuyên của GS về xây dựng kế hoạch để thích ứng là gì?
John: Đầu tiên các bậc cha mẹ cần XÁC ĐỊNH đâu là những VIỆC QUAN TRỌNG CHÍNH cần phải làm trong một ngày và ưu tiên lên lịch cho những việc đó trước. Những việc quan trọng đó có thể là: việc đi mua sắm những vật phẩm cần thiết, thời gian dành cho việc học tập của con, thời gian để bạn làm việc và thời gian trẻ được giải trí,…
Việc KẾT HỢP MỘT VÀI VIỆC QUAN TRỌNG VỚI NHAU như thời gian ăn uống kết hợp với giải trí và gắn kết tình cảm gia đình cũng là một giải pháp hữu ích để cân bằng thời gian cho các bậc cha mẹ. Bạn có thể tận dụng cơ hội ở nhà để nấu những bữa ăn lành mạnh; đồng thời cho con cùng tham gia vào việc lập kế hoạch và nấu các bữa ăn để gia tăng tình cảm gia đình đồng thời dạy bé cách giúp đỡ người lớn.
Hỏi: Nhiều phụ huynh đang cố gắng hết sức cho con học tại nhà nhưng điều đó có thể là một thách thức. Lời khuyên của GS trong việc đối phó với bài tập và bài học của con là gì?
John: Tôi nghĩ rằng việc này tùy thuộc vào sự khác biệt về TÍNH CÁCH VÀ ĐỘ TUỔI của trẻ.
Nếu con bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên, bé đã khá tự lập, bạn chỉ cần dành nhiều thời gian để hỗ trợ con XÂY DỰNG CÁC KẾ HOẠCH kết hợp giữa lịch học ở trường và các hoạt động tự định hướng của riêng con.
Với những trẻ ở độ tuổi tiểu học, tôi nghĩ rằng cha mẹ thường mong muốn có giáo viên nghiêm khắc để dạy trẻ và điều này có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng cho trẻ. Việc học ở nhà có thể là một cách tiếp cận mới tốt hơn giúp trẻ thoải mái và linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức. Trẻ em có thể học hỏi nhiều hơn khi THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG VUI CHƠI, SÁNG TẠO cùng với cha mẹ (chứ không phải bằng các hoạt động học vẹt). Bạn có thể tìm những cách học mà con bạn có khả năng sẽ thích như: hoạt động hỏi đố về gia đình, chơi trò chơi nhỏ tại bàn, vẽ tranh, tìm kiếm điều gì đó thú vị trên internet cùng bạn, hoặc hỏi và nói chuyện với ông bà về thời thơ ấu của họ,… . Nếu có một khu vườn, cha mẹ có thể cùng con gieo một số hạt giống trong vườn, giúp trẻ học những kiến thức về những gì trẻ sẽ trồng. Đây thực sự là những hoạt động học tập trải nghiệm chất lượng cao. Cha mẹ có thể THAM VẤN GIÁO VIÊN của con để tìm ra các hoạt động học tập sáng tạo thật phù hợp. Ngoài ra, ĐỪNG NÊN BIẾN NGÔI NHÀ CỦA BẠN THÀNH TRƯỜNG HỌC – chỉ cần một đến hai hoạt động học tập mỗi ngày là đủ cho trẻ.
Hỏi: Nói đến “screentime”, tức khái niệm về thời gian tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, và các thiết bị điện tử khác, có thể thấy việc ở nhà nhiều hơn cũng đồng thời làm tăng thời gian “screentime” ở trẻ – làm cách nào để chúng ta giữ được sự cân bằng thời gian này một cách lành mạnh?
John: Dù cố gắng lập ra các giới hạn về “screentime”, phải thừa nhận rằng việc tăng thời gian tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử trong mùa dịch là KHÔNG THỂ NÀO TRÁNH KHỎI. Thay vì quá lo lắng về điều này, bạn có thể NHÌN VÀO NHỮNG KHÍA CẠNH TÍCH CỰC của screentime và cố gắng xây dựng kế hoạch dựa trên những khía cạnh này. Một số trò chơi hoặc bộ phim sẽ giúp bạn thư giãn – ngồi xuống và xem một bộ phim gia đình cùng nhau có thể là một nguồn kết nối tuyệt vời cho gia đình của bạn hoặc đơn giản chỉ là một sự “sạc” lại năng lượng cho chính bản thân bạn.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch hàng ngày, bạn hãy ĐẢM BẢO BAO GỒM MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH, không thuộc phạm trù screentime, chẳng hạn như nấu ăn, đi dạo, tập thể dục, thiền hoặc đọc sách trước khi đi ngủ. Một khi kế hoạch hằng ngày bao gồm nhiều hoạt động quan trọng khác thì screentime sẽ giảm bớt tầm quan trọng và sự ảnh hưởng lên gia đình của bạn.
Hỏi: Qua tất cả những điều trên, có thể thấy việc giữ gìn sức khỏe bản thân và quan tâm đến sức khỏe tinh thần thực sự rất quan trọng. Làm thế nào chúng ta có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình vào thời điển này?
John: Chỉ khi bạn cảm thấy TÍCH CỰC VÀ TỰ TIN với kế hoạch mà bạn đã đề ra thì con bạn mới dễ dàng làm theo những hướng dẫn và định hướng của bạn. Đối với một số bậc phụ huynh, việc quan trọng hơn hết mà họ phải hoàn thành là các dự án, công việc. Tuy vậy, để cân bằng sức khỏe tinh thần, phụ huynh cũng cần phải DÀNH MỘT CHÚT THỜI GIAN CHO BẢN THÂN và thực hiện các hoạt động một cách cá nhân hóa như đọc sách, đi dạo hoặc thiền nếu phù hợp. Vì vậy, phụ huynh cần phải TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI: “Tôi cần gì? Hiện tại điều quan trọng đối với tôi là gì để khiến tôi cảm thấy tốt và tích cực?” Chỉ có bạn mới đưa ra được đáp án chính xác nhất cho chính bạn.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần GIAO TIẾP VỚI NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH, đặc biệt là người thân của mình để giảm bớt những áp lực về tinh thần. Nếu con còn nhỏ, bạn có thể dành một chút thời gian trò chuyện với bạn đời vào lúc ăn hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hoặc nếu con bạn lớn hơn một chút, bạn có thể ra ngoài đi dạo cùng con, tạo một chút không gian và thời gian để trò chuyện và trao đổi với con. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt trong mối quan hệ tình cảm cũng như cải thiện sức khỏe tinh thần cho các bậc cha mẹ.
Hỏi: Còn cha mẹ đơn thân thì sao?
John: Đối với những ông bố bà mẹ đơn thân, đừng ngại ngùng trong việc NHỜ VẢ NHỮNG NGƯỜI THÂN khác trong nhà như ông bà. Việc có một ai đó giúp đỡ và sẻ chia sẽ giúp bạn rất nhiều để vượt qua khó khăn. Trong trường hợp bên cạnh bạn không có ai, đừng ngại cùng TÂM SỰ NHỮNG KHÓ KHĂN với ai đó qua điện thoại hay mạng xã hội để tránh cho bản thân không bị lạc lõng. GIỮ MỘT TINH THẦN VỮNG CHẮC là điều quan trọng nhất để vượt qua khó khăn.

Tóm lại, tôi muốn nói với các bậc cha mẹ và các gia đình rằng hãy cứ đối xử nhẹ nhàng với bản thân khi trải qua giai đoạn khủng hoảng này. Đôi khi với tư cách là cha mẹ, chúng ta đã tự đặt cho mình rất nhiều áp lực. Thực ra, chúng ta cần lùi lại một chút, thư giãn và tập trung vào những điều quan trọng – cần phải nghĩ rằng đây là khoảng thời gian giúp bạn rèn luyện thích nghi, khoảng thời gian để bạn nối kết tình cảm với con cái; và dù chỉ hoàn thành một chút công việc trong ngày, bạn cũng không cần quá căng thẳng về điều đó.
Bạn hãy xem đây là một cuộc phiêu lưu. Ở một mức độ nào đó, đây là một khoảng thời gian khó khăn nhưng cũng có những khía cạnh tích cực đáng kể. Bạn có thể có những cơ hội mới, có thể hoàn thành một số công việc nấu nướng tại nhà, có thể kết nối với con cái của bạn theo một cách khác. Hãy tận hưởng thời gian của bạn với con cho đến khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo khi đại dịch kết thúc.