Trước nhiều thông tin quảng cáo về các sản phẩm mác “giáo dục” xuất hiện ồ ạt trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các đồ chơi với các tít cực hút hội các bà mẹ bỉm sữa như: “Trò chơi phát triển kỹ năng, trò chơi phát triển về trí tuệ,..”, liệu ba mẹ có cảm thấy băn khoăn “nên hay không nên mua đồ chơi giáo dục cho trẻ”?
Trong những năm đầu đời, trẻ học thông qua việc được ba mẹ hay người chăm sóc tương tác, nói chuyện, đọc sách và đồ chơi cũng là một phần không thể thiếu trong sự phát triển của trẻ. Vấn đề không chỉ nằm ở việc món đồ chơi đó mắc hay rẻ, số lượng đồ chơi nhiều hay ít mà nằm ở chỗ món đồ chơi đó thực sự đem lại kết quả gì cho con và làm thế nào để khai thác hết công dụng hoặc thậm chí cùng con nghĩ ra thêm công dụng của món đồ chơi đó sao cho thật thú vị mới là chìa khóa vàng để khai mở trí tuệ con trẻ.
Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ từng khuyên các bậc cha mẹ nên trả lời những câu hỏi sau đây, trước khi mua bất kỳ món đồ chơi nào cho trẻ:
1. Đặc điểm phát triển của trẻ ở độ tuổi hiện tại và món đồ chơi này sẽ giúp được gì cho trẻ?
2. Cách sử dụng món đồ chơi đó như thế nào để chơi cùng bé?
3. Mục đích của món đồ chơi là gì? Nhằm giải trí và tăng thời gian tương tác tích cực giữa bạn và bé; hay nhằm mục đích giáo dục?
Hướng dẫn gợi ý cách chọn đồ chơi theo từng độ tuổi của trẻ
* TRẺ 0-3 THÁNG TUỔI
Đặc điểm phát triển:Trẻ giai đoạn này nhạy cảm với âm thanh và màu sắc tương phản. Vì thế ba mẹ nên chọn những đồ chơi có màu như: Xanh dương hoặc xanh lá cây, vàng, đỏ, đen hoặc trắng.
Loại đồ chơi: Ba mẹ nên chọn những đồ chơi tạo ra âm thanh đơn (chẳng hạn như lục lạc cầm tay); hoặc những vật treo với màu sắc tương phản; hoặc chơi với gương để trẻ có thể tự ngắm nhìn khuôn mặt của mình, đồng thời kích thích kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ.
Cách thức chơi: Cha mẹ có thể dùng những món đồ chơi này để tương tác với bé sau khi bé bú sữa hoặc sau khi bé tắm.
* TRẺ 4-12 THÁNG TUỔI
Đặc điểm phát triển: Ở giai đoạn này bắt đầu phát triển sức khỏe cơ bắp, do đó trẻ thích kéo đẩy, nâng lên và đặt xuống các vật thể.
Cách thức chơi: Khi chơi khuyến khích trẻ sử dụng các ngón tay
Loại đồ chơi:Đồ chơi nên có bánh để trẻ có thể dễ dàng kéo đẩy (VD các loại xe đồ chơi); bên cạnh đó, đồ chơi không cần quá quan trọng hình dáng đẹp, chỉ cần có kích thước đủ lớn để trẻ có thể cầm nắm và kéo đẩy được.
Lưu ý: Các chuyên gia nhi khoa khuyên rằng: đối với trẻ dưới 1 tuổi, đồ chơi nên nhằm vào mục đích giải trí và tăng thời gian tương tác tích cực. Sau 1 tuổi, bạn có thể lựa chọn đồ chơi với cả 2 mục đích là giải trí nhằm tăng tương tác tích cực và mục đích giáo dục.
* TRẺ 1-4 TUỔI
Đặc điểm phát triển: Trẻ bắt đầu phát triển khả năng suy nghĩ độc lập và xây dựng kỹ năng phân tích như so sánh lớn nhỏ, vừa hoặc không vừa. Ngoài ra, trẻ cũng chú ý về những chi tiết hơn là tổng thể.
Cách thức chơi: Khuyến khích trẻ tự hoàn thành các hoạt động chơi. Bạn nên là người hướng dẫn.
Loại đồ chơi:
Trẻ trên 1 tuổi món đồ chơi nên chia làm 2 dạng mục đích:
1. Nhằm giải trí và tăng hoạt động tương tác: Đồ chơi có những mẫu chi tiết để tháo lắp và có chức năng cụ thể nhằm mục đích kích thích tính sáng tạo và giúp trẻ phát triển khả năng vận động
Ví dụ, bạn có thể mua 1 số xe có chức năng như xe cứu hỏa, xe máy ủi, xe cảnh sát … khi chơi bạn có thể giới thiệu chức năng từng loại xe cho bé nghe và luật giao thông của mỗi xe, như xe cứu hỏa và xe cấp cứu sẽ được ưu tiên vì họ đang làm nhiệm vụ cứu người.
Các bé từ 15 tháng tuổi có thể chơi các đồ chơi có định hướng giới tính. Do đó, bạn có thể chọn những đồ chơi có định hướng giới tính trong mục đích giải trí. Ví dụ, đồ chơi đóng vai (cô giáo/bác sĩ/nội trợ) hoặc búp bê cho bé gái. Lưu ý, búp bê lúc này nên có thể thay đổi quần áo để các bé có thể tự học cách mặc quần áo cho búp bê
2. Nhằm mục đích giáo dục: Định hướng phát triển khả năng phân tích và so sánh (Đồ chơi xếp hình đơn giản), định hướng phát triển toán học (đồ chơi xếp chồng ly) hoặc định hướng phát triển mỹ thuật (bút chì màu và giấy vẽ).
– Thẻ hình (hình con vật, đồ vật) có thể chơi với bé ở độ tuổi 1-2 tuổi. Thẻ nên có hình rõ ràng và màu sắc hình dáng giống với đời thực
– Thẻ chữ cái hoặc thẻ chữ có 1 mặt hình 1 mặt chữ có thể giới thiệu khi trẻ từ 2 tuổi. Cha mẹ được khuyên là dùng thẻ hình hay thẻ chữ như 1 công cụ giúp trẻ tương tác, không ràng buộc các bé phải học thuộc. Hãy để các bé cảm thấy hứng khởi khi chơi cùng bạn, như vậy trẻ sẽ tiếp thu được một cách tự nhiên.
Tâm hồn trẻ thơ như trang giấy trắng, và ba mẹ là người viết những dòng chữ đầu tiên lên trang giấy ấy.Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý khi “viết những dòng chữ đầu tiên” này.
Khi sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong con mình có thể mạnh khỏe, thông minh và có nhân cách tốt. Nhưng việc nuôi dạy con từ trước đến nay chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Mỗi đứa trẻ khác nhau lại có một tư chất khác nhau, một “khởi điểm” khác nhau, một tài năng khác nhau và một quá trình phát triển khác nhau.Vậy làm thế nào để khơi dậy được tài năng của con và đâu là những yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy con?
1. Sự Yên tĩnh
Không ít những người mẹ hiện đại ngày nay nghĩ việc giáo dục con từ lúc thai giáo và 0 tuổi là quan trọng. Vì thế mà các mẹ đã cố gắng dùng tất cả quỹ thời gian của con mình để thúc đẩy sự phát triển cho con. Mẹ nghĩ rằng nếu không nắm bắt thì sẽ để tụt mất giai đoạn vàng này. Điều đó, vô tình đã trở thành hành động “nhồi nhét” một cách thiếu khoa học lên trẻ. Mẹ quên mất, cả thai nhi và trẻ nhỏ đều cần một khoảng thời gian yên tĩnh, nhẹ nhàng. Khi ba mẹ cứ liên tục tác động và thúc đẩy trẻ sẽ khiến trẻ sẽ lớn lên màKHÔNG ĐƯỢC TỰ TRẢI NGHIỆMnhững khoảng thời gian chỉ có một mình. Đứa trẻ lớn lên với sự bao bọc quá mức sẽ trở thành đứa trẻKHÔNG CÓ TÍNH TỰ CHỦ.
Hình 1: Sự yên tĩnh trong nuôi dạy con
2. Tính nhất quán
Trong việc nuôi dạy trẻ, tính nhất quán là rất cần thiết. Cả ba và mẹ đều cần tính nhất quán trong quá trình nuôi dạy con, điều đó giúp tăng cường trí nhớ và sự thông minh của trẻ. Ví dụ như mỗi sáng, khi trẻ thức dậy, nếu mẹ bế bé lên để đi vệ sinh, trí nhớ về việc đó sẽ được hình thành, trẻ sẽ học được rằng không đi vệ sinh cho đến khi được bế lên. Tính nhất quán này sẽ giúp việc nuôi dạy trẻ trở nên dễ dàng hơn ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Tính nhất quán còn được thể hiện trong việc đặt giới hạn và kỉ luật cho con. Một khi con làm sai, cha mẹ cũng cần nhất quán trong cách đối xử và phạt trẻ để tránh trẻ lặp đi lặp lại lỗi sai nhiều lần và ỷ lại. Ví dụ như sau khi phạm lỗi, nếu trẻ khóc là sẽ được ba mẹ dỗ ngay, không trách phạt thì sau đó bé sẽ tự hiểu chỉ cần khóc là ba mẹ sẽ bỏ qua hết lỗi lầm của mình.
HÌnh 2. Tính nhất quán trong nuôi dạy con
3. Giao tiếp
Việc ba mẹ biết cách giao tiếp với con rất quan trọng. Cách thức giao tiếp không phù hợp như nói quá nhiều hay thời lượng giao tiếp quá ít sẽ khiến trẻ có khuynh hướng PHỚT LỜ điều ba mẹ nói.
Cách thức giao tiếp liên quan đến khoảng cách, tiết tấu, nhịp điệu và chu kỳ. Trẻ sẽ biểu hiện sự cự tuyệt với những tác động xem nhẹ sự phát triển và trưởng thành của trẻ. Cách giao tiếp phù hợp với sở thích và tâm tư của trẻ mới là điều quan trọng
Ba mẹ hãy cố gắng dành thời gian ngồi cạnh và lắng nghe để hiểu con. Điều này sẽ giúp con củng cố khả năng giao tiếp và ngôn ngữ, đồng thời kéo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái lại gần nhau hơn. Nếu không biết nói gì, ba mẹ có thể đọc sách cho con nghe, điều này cũng giúp con hình thành thói quen đọc sách và ham học hỏi ngay khi còn bé.
Hình 3: Sự giao tiếp trong nuôi dạy con
4. Xác định chương trình phát triển năng lực phù hợp
Để nuôi dạy trẻ một cách thông minh, các chương trình phát triển năng lực trí tuệ phù hợp với trẻ là rất quan trọng. Nhưng các chương trình này phải phù hợp với trẻ chứ không nên theo sự áp đặt của ba mẹ. Ba mẹ có xu hướng phụ thuộc vào các chương trình và cố gắng thực hiện theo các chương trình có sẵn, đó là một sai lầm rất lớn
Có trẻ thích màu sắc, có trẻ thích chữ viết và những con số. Cũng có trẻ thích âm nhạc, có trẻ lại thích phản ứng với các chuyển động. Chúng ta không nên nghĩ rằng mọi đứa trẻ đều có các phản ứng giống nhau. Mỗi trẻ đều có một cá tính riêng. Việc lựa chọn chương trình phù hợp với cá tính của mỗi trẻ là điều quan trọng
Khi cố áp đặt trẻ theo những tiêu chuẩn của ba mẹ thì chắc chắn phản ứng của trẻ sẽ không tốt. Ba mẹ hãy tìm hiểu những hoạt động phù hợp với con mình
Hình 4. Xác định chương trình phát triển năng lực của con phù hợp
5. Ưu tiên cho con
Trong việc nuôi dạy con cái, nguyên tắc quan trọng là sự ƯU TIÊN CHO CON. Một thực trạng thường gặp ở nhiều bậc cha mẹ là “luôn ưu tiên cảm xúc của mình hơn cảm xúc của con.” Điều này cản trở sự phát triển thể chất và tâm hồn của trẻ, khiến các cảm xúc của trẻ trở nên bất ổn. Hãy đối xử với con theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn. Hay luôn thể hiện 100% tình yêu thương dành cho con của mình bằng Hành động chứ không phải bằng suy nghĩ. Và hãy kiềm chế cảm xúc của bản thân, ngừng la mắng khi dạy con.
Hình 5. Ưu tiên cho con
Để con luôn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn, ba mẹ hãy thực hiện 4 điều dưới đây:
4 điều “HÃY”:
Hãy yêu thương trẻ
Hãy dành nhiều tâm huyết
Hãy nói chuyện
Hãy nuôi dạy trẻ bằng cách khen ngợi
Tính cách của trẻ tốt hay xấu phụ thuộc vào giao tiếp của ba mẹ trẻ từ lúc sinh ra đến khi trẻ được sáu tháng tuổi. Nói cách khác, nếu trong suốt 6 tháng đầu đời, trẻ cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, sau này khi lớn lên, đứa trẻ vẫn giữ được cảm giác tích cực đó. Nhưng đối với trẻ không được cha mẹ làm cho cảm thấy hạnh phúc, trẻ có khuynh hướng suy nghĩ một cách tiêu cực và sẽ lớn lên mà không cảm nhận được sự hạnh phúc. Để trẻ sống trong một thế giới tràn ngập yêu thương, ba mẹ cần chơi và đối xử với trẻ một cách vui vẻ, làm cho trẻ cảm thấy hạnh phúc bằng những từ ngữ tích cực
Nuôi dạy con cái là một trong những công việc khó khăn nhất nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui nhất. Tuy nhiên, đây cũng là việc làm cho các bậc cha mẹ cảm thấy dù có chuẩn bị bao nhiêu cũng không đủ.
Dưới đây là 9 mẹo nuôi dạy con cái có thể giúp bạn cảm thấy chu toàn hơn trong vai trò làm cha mẹ của mình.
Trẻ em bắt đầu phát triển ý thức về bản thân từ lúc còn nhỏ, khi con nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của cha mẹ. Giọng nói của bạn, ngôn ngữ cơ thể của bạn và mọi biểu hiện của bạn đều được con bạn tiếp thu. Lời nói và hành động của cha mẹ và người chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách đang phát triển của trẻ hơn bất cứ điều gì khác.
Việc khen ngợi những thành tích dù nhỏcủa con sẽ khiến con cảm thấy tự hào; để trẻ làm mọi thứ một cách độc lập sẽ khiến con cảm thấy mình mạnh mẽ và hữu ích. Ngược lại, việc coi thường những lời nhận xét của con; hoặc so sánh một cách bất lợi con với một đứa trẻ khác sẽ khiến trẻ cảm thấy mình vô dụng.
Ba mẹ cần tránh đưa ra các nhận xét nặng nề, những bình luận như “Con chỉ luôn làm hỏng việc!” hoặc “Con hành động trẻ con hơn em trai của con!”. Những nhận xét tiêu cực trên sẽ dẫn đến tổn thương tâm lý cho trẻ.
Cha mẹ hãy lựa chọn lời nói của mình một cách cẩn trọng và văn minh. Hãy cho con biết rằng, kể cả khi bạn không thích hành động của con, nhưng dù con phạm lỗi bạn vẫn sẽ yêu thương con vô điều kiện.
2. Đừng bắt trẻ phải ngoan- hãy “khuyến khích” trẻ
Đã bao giờ bạn dừng lại để nghĩ về bao nhiêu lần bạn phản ứng tiêu cực với con trong một ngày? Có thể bạn sẽ thấy mình thường xuyên chỉ trích con nhiều hơn là khen ngợi. Bạn hãy thử suy nghĩ bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu sếp của bạn đối xử với bạn bằng thái độ tiêu cực như vậy, ngay cả khi đó là ý tốt?
Có một cách tiếp cận hiệu quả hơn là “khuyến khích” trẻ khi trẻ làm tốt một điều gì đó: “Con tự dọn giường mà không cần mẹ nhờ – con của mẹ giỏi quá!” hay “Mẹ thấy con ngồi chơi với em gái và con đã rất kiên nhẫn. Mẹ tự hào về con.” Những câu nói này sẽ giúp khuyến khích hành vi tốt về lâu dài hơn là những lời mắng mỏ lặp đi lặp lại. Hãy cố gắng tìm ra điều gì đó để khen ngợi mỗi ngày. Hãy hào phóng với phần thưởng là tình yêu thương, những cái ôm và lời khen của bạn có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu. Chẳng bao lâu, bạn sẽ thấy “thiên thần” của bạn “phát triển” nhiều hơn những hành vi tốt mà bạn muốn thấy ở trẻ.
3. Đặt giới hạn và nhất quán với kỷ luật của bạn
Kỷ luật là cần thiết trong mỗi gia đình. Mục tiêu của kỷ luật là giúp trẻ lựa chọn hành vi nào có thể chấp nhận được và học cách tự kiểm soát hành động của mình. Con có thể sẽ “khóc” vì những giới hạn mà bạn thiết lập cho con, nhưng con cũng cần những giới hạn đó để có thể phát triển thành người có trách nhiệm.
Thiết lập các quy tắc trong nhà giúp trẻ hiểu được mong đợi của bạn và phát triển khả năng tự chủ. Một số quy tắc có thể bao gồm: không xem TV cho đến khi làm xong bài tập về nhà; không được phép đánh, trêu chọc gây tổn thương anh chị em trong nhà,…
Bạn cũng có thể xây dựng một quy trình “kỷ luật” để có thể đặt giới hạn cho con. Ví dụ như lần đầu tiên con phạm lỗi, bạn sẽ nhắc nhở con, lần hai sẽ cảnh báo con về những hậu quả con phải chịu nếu còn tái phạm, lần ba con sẽ bị phạt “mất đi một đặc quyền nào đó”,… Một sai lầm phổ biến của cha mẹ là “sự tùy hứng”, không tuân theo những quy luật và kỷ luật đã đặt ra cho con. Bạn không thể kỷ luật con hôm nay vì con làm sai, và bỏ qua cho con khi con tái phạm hôm sau. Hãy kiên định dạy con những gì mà bạn mong đợi.
4. Dành thời gian cho con bạn
Khi xã hội hiện đại hóa, cha mẹ thường bận rộn và thường khó có thời gian quây quần bên con cái, kể cả trong bữa ăn gia đình chứ chưa nói đến việc dành một khoảng thời gian chất lượng cho nhau. Nhưng có lẽ không có gì trẻ em thích hơn là khoảnh khắc được ở cùng cha mẹ. Hãy dậy sớm hơn 10 phút vào buổi sáng để bạn có thể ăn sáng cùng con hoặc cữ để bát đĩa vào bồn rửa và đi dạo cùng con sau bữa tối. Những đứa trẻ không nhận được sự chú ý mà chúng muốn từ cha mẹ thường sẽ hành động ngỗ nghịch hoặc cư xử sai phép tắc, vì chúng tin rằng, nếu làm vậy cha mẹ sẽ để ý tới chúng.
Có rất nhiều cách để sắp xếp thời gian bên con. Tạo một “đêm đặc biệt” mỗi cuối tuần để ở bên nhau, tìm các cách thú vị khác để kết nối với con như: ghi chú hoặc thêm một thứ gì đó đặc biệt vào hộp cơm trưa của con, thường xuyên hỏi và dành thời gian lắng nghe những câu chuyện con kể sau một ngày đi nhà trẻ, tham dự các buổi văn nghệ, trò chơi và các sự kiện khác với con để thể hiện sự quan tâm và giúp bạn hiểu thêm về con và bạn bè của con.
Bên cạnh đó, đừng cảm thấy tội lỗi nếu bạn là một phụ huynh bận rộn với công việc. Những việc nhỏ bạn làm – làm bữa sáng, chơi bài, dẫn con đi dạo – đứa trẻ “hiểu chuyện” mà bạn dạy dỗ sẽ luôn ghi nhớ và yêu thương bạn.
5. Hãy trở thành một tấm gương tốt
Trẻ nhỏ học được nhiều điều về cách hành động khi quan sát cha mẹ. Con càng nhỏ thì càng cố gắng nhận biết được nhiều tín hiệu từ bạn. Trước khi khó chịu, cãi nhau hoặc cư xử những điều không tốt trước mặt con, hãy nghĩ về điều này: Đó có phải là cách bạn muốn con mình cư xử khi tức giận không? Cha mẹ hãy nhớ rằng con cái luôn ở bên bạn và luôn dõi theo bạn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ bị đánh thường phát triển xu hướng dễ giận dữ và không kìm chế được cảm xúc của mình.
Hãy làm gương những đặc điểm bạn muốn thấy ở con mình: tôn trọng, thân thiện, trung thực, tốt bụng, khoan dung. Thể hiện hành vi không ích kỷ, làm những việc cho người khác mà không mong đợi một phần thưởng, bày tỏ lời cảm ơn và khen ngợi. Và quan trọng nhất,hãy đối xử với con bạn theo cách mà bạn mong đợi người khác đối xử với mình.
6. Ưu tiên giải quyết vấn đề cùng con
Có một sự thật rõ ràng rằng, bạn không thể mong đợi trẻ làm mọi việc bạn yêu cầu chỉ vì đơn giản bạn là cha mẹ của trẻ. Trẻ muốn và xứng đáng được giải thích mọi việc nhiều như người lớn. Và nếu bạn không dành thời gian để giải thích cho trẻ hiểu tại sao phải có những quy tắc ấy, trẻ sẽ bắt đầu thắc mắc về giá trị và động cơ lời nói của chúng ta và nghi ngờ liệu lời khuyên của chúng ta có cơ sở hay không? Cha mẹ lý giải mọi điều với con cái với con cái cho phép con hiểu tin và học theo chúng ta một cách không phán xét.
Cần phải chắc rằng bạn đang rõ bạn mong muốn hay kỳ vọng điều gì. Nếu có vấn đề nào đó xảy ra, hãy mô tả vấn đề, bày tỏ cảm xúc của bạn và cùng trẻ tìm cách giải quyết, đưa ra đề xuất và các lựa chọn các phương án phù hợp. Bên cạnh đó, hãy cởi mở với những đề xuất của con. Những đứa trẻ được tham gia vào các quyết định của gia đình sẽ có động lực hơn để thực hiện các quyết định đó.
7. Linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh phong cách nuôi dạy con cái của bạn
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy “thất vọng” trước hành vi của con mình, có lẽ bạn đang có những kỳ vọng không thực tế. Khi thu thập thông tin trên báo chí, sách vở hoặc nghe thông tin từ các phụ huynh khác, nhiều cha mẹ thường hay lo lắng và nghĩ về “điều nên làm” (ví dụ: “Con tôi bây giờ nên được tập ngồi bô”). Hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra trên đời đều không giống nhau, nên đừng đặt những kì vọng vô cớ chỉ vì “con người ta” làm được còn con mình chưa làm được.
Môi trường xung quanh trẻ có ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của con, vì vậy bạn có thể thay đổi hành vi không tốt của con bằng cách thay đổi môi trường. Nếu bạn thấy mình liên tục nói “không” với đứa con 2 tuổi, hãy tìm cách thay đổi môi trường xung quanh để hạn chế tối thiểu những điều vượt quá giới hạn. Và khi con bạn thay đổi, bạn cũng sẽ phải dần thay đổi cách nuôi dạy con cho phù hợp. Rất có thể, những gì phù hợp với con bạn bây giờ sẽ không còn hiệu quả trong một hoặc hai năm nữa.
Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên có xu hướng ít nhìn vào cha mẹ của họ mà nhìn vào bạn bè nhiều hơn để học theo. Tuy nhiên, hãy cố gắng tiếp tục cho con những lời khuyên, hướng dẫn, khuyến khích và kỷ luật thích hợp đồng thời cũng cho phép con bạn tự lập hơn. Và hãy luôn nắm bắt mọi khoảnh khắc để sẵn sàng “tạo kết nối” với con!
8. Chứng tỏ rằng tình yêu của bạn là vô điều kiện
Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm sửa chữa và hướng dẫn con, nhưng cách bạn thể hiện sự hướng dẫn sửa sai của mình có thể sẽ tạo nên sự khác biệt trong cách tiếp nhận của trẻ.
Khi bạn phải đối mặt với con, hãy tránh đổ lỗi, chỉ trích hoặc tìm lỗi, điều này làm giảm lòng tự trọng và có thể dẫn đến oán giận ở con. Thay vào đó, hãy cố gắng nuôi dưỡng và khuyến khích con, ngay cả khi bạn đang kỷ luật con. Hãy chắc chắn con biết rằng mặc dù bạn muốn và mong đợi con tốt hơn vào lần sau, nhưng tình yêu của bạn vẫn ở đó cho dù có thế nào đi nữa.
9. Biết Nhu cầu và Hạn chế của chính bản thân bạn
Đối diện với con – không có bậc cha mẹ nào là hoàn hảo, bạn sẽ vẫn có những điểm mạnh và điểm yếu riêng của mình. Việc hiểu rõ chính bạn, cố gắng phát triển điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu luôn cần thiết. Nhưng đôi lúc, hãy tập tha thứ cho chính mình và để bản thân thư giãn. Hãy chỉ tập trung vào những việc quan trọng thay vì cố gắng giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc. Hãy thừa nhận sự mệt mỏi khi bạn kiệt sức. Hãy để thời gian nuôi dạy con là khoảng thời gian khiến bạn hạnh phúc nhất chứ không phải là stress, là sự khó khăn.
Tập trung vào nhu cầu của bạn không làm cho bạn trở nên ích kỷ. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là bạn quan tâm đến hạnh phúc của chính mình, đó là một giá trị quan trọng khác để làm gương cho con bạn.
Cha mẹ nào cũng mong con mình thông minh, IQ cao để có thể thành công hơn trong học tập và cuộc sống. Trên thực tế, chỉ số IQ của trẻ ngoài việc bị ảnh hưởng bởi gen bẩm sinh, còn liên quan nhiều đến mối quan hệ với người trong gia đình, nhất là người nuôi nấng trẻ. Vậy ai là người sẽ có ảnh hưởng đến IQ của trẻ nhất?
Chỉ số IQ của trẻ được thể hiện ở khả năng diễn đạt, khả năng học hỏi và tính độc lập xử lý vấn đề. IQ cao hay thấp thường bị ảnh hưởng bởi gen, tuy nhiên, các mối quan hệ và sự tương tác xung quanh trẻ cũng ảnh hưởng rất đáng kể. Đại học Harvard và Đại học Yale, Mỹ đã hợp tác nghiên cứu về sự tương tác này trong suốt 12 năm. Kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có sự tương tác tích cực với cha thường có chỉ số IQ cao hơn. Ngoài ra, mối quan hệ với người cha có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài hơn đến con cái, vì vậy những đứa trẻ được cha chăm sóc, gần gũi có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn khi lớn lên.
Tại sao sự chăm sóc của người cha có thể ảnh hưởng đến IQ của trẻ?
Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ là thường người có trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên ngày nay, do điều kiện cuộc sống bận rộn, nhiều cặp vợ chồng ít dành thời gian cho con hơn, những mối quan hệ xung quanh đứa trẻ ngoài bố mẹ còn có ông bà. Để lý giải kết quả của nghiên cứu trên, chúng ta cùng so sánh sự chăm sóc của ông bà và cha mẹ.
* Sự tương tác của ông bà:
Thực tế cho thấy, ông bà thường có xu hướng chiều chuộng cháu nhiều hơn là bố mẹ. Nhiều trường hợp, ông bà chỉ muốn thỏa mãn các nhu cầu của trẻ mà không để ý đến việc kiểm soát hành vi và định hướng sự phát triển cho trẻ. Một số ví dụ như: ông bà thường chiều chuộng, giúp cháu xử lý hết các vấn đề trong sinh hoạt, khi cháu khóc sẽ lập tức dỗ, khi cháu đòi sẽ lập tức cho, khi cháu cần ông bà sẽ giải quyết hết các vấn đề cho cháu. Điều này dẫn đến khả năng thực hành, tư duy của trẻ không được rèn luyện. Ngoài ra, việc tự rèn luyện những kỹ năng trong cuộc sống cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển chỉ số thông minh của trẻ. Sự chiều chuộng của ông bà dễ dẫn tới những đứa trẻ hình thành tích cách dễ đòi hỏi và thiếu khả năng độc lập. Cuối cùng có thể dẫn tới hạn chế năng lực về mọi mặt của trẻ.
* Sự tương tác của cha mẹ:
Các chuyên gia giáo dục tham gia nghiên cứu đã từng mô tả những biểu hiện khác nhau của cha và mẹ khi chơi cùng con cái bởi khái niệm “bị giam cầm“. Bởi lẽ các bà mẹ thường có xu hướng đặt ra các “quy tắc” khác nhau trong trò chơi trong khi với các ông bố thì ngược lại. Trong khi các mẹ thường lo lắng về việc an toàn, lo lắng về việc vấy bẩn,… thì các ông bố lại có xu hướng “thả” cho con sẵn sàng đi khám phá và đổi mới. Vì thế, những đưa trẻ được cha dành thời gian chăm sóc sẽ được rèn luyện cả kỹ năng vận động và tư duy một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, kỹ năng tư duy logic, trí tưởng tượng về không gian, thiên nhiên của bố thường tốt hơn mẹ. Họ có cái nhìn rộng hơn về các vấn đề nên có thể hướng dẫn trẻ nhìn nhận và tư duy tốt hơn trong quá trình hướng dẫn trẻ giải quyết các vấn đề, rèn luyện hiệu quả khả năng tư duy của trẻ. Từ đó, góp phần cải thiện chỉ số IQ của trẻ.
Làm thế nào để người cha chăm sóc con tốt hơn?
* Cẩn thận:
Trong khi các mẹ thường quá lo lắng về vấn đề an toàn thì nhiều ông bố lại thường bất cẩn khi trông con nhỏ, bởi vì họ không chú ý tới tiểu tiết. Trẻ nhỏ thường tò mò khám phá, chưa nhận thức đầy đủ về sự an toàn nên đôi khi trẻ có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, người cha cần chú ý hơn đến những nguy cơ xung quanh trẻ, đảm bảo con nhỏ ở trong phạm vi an toàn.
* Kiên nhẫn:
Nuôi con là phép thử lòng kiên nhẫn của cha mẹ. So với các bà mẹ, các ông bố có xu hướng thiếu kiên nhẫn hơn trong quá trình nuôi dạy con cái. Khi con không nghe lời, họ bắt đầu tỏ ra nghiêm khắc hoặc đơn giản là phớt lờ chúng đi. Điều này khiến trẻ nhỏ dễ xa lánh người cha. Vì vậy, khi chăm sóc con cái, người cha cần chú ý đến sự kiên nhẫn, nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của đứa trẻ nhiều hơn.
* Thử thách con:
Cách cha dạy con thường không mềm yếu mà sẽ đặt ra cho con rất nhiều thách thức. Cha sẽ ít lời và không vội vã đưa ra lời khuyên ngay mà để trẻ tự tìm cách giải quyết khó khăn. Cha cũng sẽ giao nhiệm vụ cho trẻ và cho một hạn thời gian để hoàn thành.
* Hỗ trợ con theo cách tốt nhất có thể:
Nếu con không đi theo định hướng mà cha mong muốn, một người cha tốt sẽ đưa ra lời khuyên và sự thuyết phục nhưng không ép buộc con. Cha sẽ sẵn sàng hỗ trợ bé trong những bước đi để thực hiện dự định của mình.
Người cha có vai trò to lớn đối với sự trưởng thành của trẻ. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, những ông bố hãy dành thời gian để đồng hành cùng con để đứa trẻ lớn lên tốt nhất.